Sau chim phượng hoàng, hạc là biểu tượng phổ biến nhất của sự may mắn. Rất nhiều truyền thuyết cổ của người châu Á nhắc đến loài vật này và phú cho chúng nhiều thiên tính kỳ diệu. Hạc được cho là “linh vật” bất tử của tất cả các loài chim.
Hạc mang tinh thần vươn cao, vươn xa cất cánh lên bầu trời. Do đó, biểu tượng của hạc cũng được sử dụng trong phong thủy để đem lại nguồn năng lượng sống dồi dào và ý chí mạnh mẽ. Bạn có thể dùng dây đeo có biểu tượng chim hạc để cầu nguyện vận may luôn bên mình. Bài trí biểu tượng hạc bằng ngọc hay kim loại hoặc các đồ vật có hình ảnh của chim hạc cũng là 1 gợi ý tốt về phong thủy. Tốt nhất nên bài trí chúng ở góc phía Tây góc nhà bạn.
Chúng ta cũng thường thấy hình ảnh chim hạc đi kèm các biểu tượng cát tường khác trên vải thêu, trang phục truyền thống, khăn… thể hiện sự cao quý và thiêng liêng.
Hạc là loài đứng đầu trong họ lông vũ, được gọi là ‘nhất phẩm điểu’ có tính cách của một người quân tử. Nếu đặt hạc trong vườn nhà, nó sẽ mang tới cho gia đình bạn sự êm ấm và hạnh phúc.
Thời xưa, các vương hầu muốn cống tiến vật phẩm cho hoàng đế để lấy lòng tin thường sử dụng biểu tượng chim hạc, được gọi là “nhất phẩm điểu” hay là “nhất phẩm đương triều”. Hình dáng con hạc đứng trên phiến đá trước sóng triều ngụ ý tới phẩm chất cao quý, mạnh mẽ đối đầu với khó khăn, mang lại may mắn và ấm êm.
Sách cổ ghi lại rất nhiều điều liên quan tới đức tính của hạc, nhìn một cách tổng quát, hạc giống như một người quân tử, không dâm, không dục, trong sạch thuần khiết, tiếng kêu thánh thót, sánh với nhân tài.
Thời xưa hạc còn được dùng để ví với những người ưu tú nên sắc lệnh chiêu mộ hiền sỹ còn được gọi là “hạc bản”, những thứ trên “hạc bản” được gọi là ” hạc thư” hoặc “hạc đầu thư”, những người tu hành và có tiếng tăm tốt được gọi là “hạc minh chi sĩ”. Liên hệ điều này, có thể thấy các bức tranh có vẽ hạc mang ý nghĩa thanh liêm, không tham lam, sa đọa.
Truyền thuyết nói rằng hạc là chim tiên sống rất thọ, trong cuốn “Tướng hạc kinh” đã gọi hạc là ” thọ bất khả lượng” (sống lâu không thể tính) hay “hạc thọ thiên tuế” (hạc sống nghìn năm). Vì thế người đời sau dùng hạc để chúc phúc trường thọ.
Có người còn đặt tên có chữ “hạc” để may mắn và trường thọ như: Hạc Thọ, Hạc Linh… và hình ảnh hạc được đưa vào tranh chúc thọ, bình phong chúc thọ, câu đối và đồ chạm khắc khác.
Ngoài ra mỗi hình dáng và vị trí đặt hạc còn tượng trưng cho một ý nghĩa riêng:
Một chú hạc đang bay vút lên lên trời tượng trưng cho một thế giới bên kia tốt đẹp, phiêu du, bởi vì khi ai đó chết đi, linh hồn của người ấy sẽ ngồi trên lưng hạc và được hạc chở lên thiên đường. Cũng bởi lý do đó, trong đám tang của người Hoa, con hạc thường được đặt ở giữa nắp áo quan. Hình ảnh một chú hạc thấp thoáng giữa những đám mây lại tượng trưng cho tuổi thọ, sự uyên bác, sáng suốt và cuộc sống vương giả. Hình ảnh ấy còn hàm ý chủ nhân đang vươn tới một vị trí cao, đầy quyền lực. Hình ảnh hạc đang nô đùa xung quanh những cây thông tượng trưng cho sức chịu đựng dẻo dai, kiên cường của gia chủ để có được một cuộc sống danh tiếng, giàu sang.
Một trong những món quà mừng tặng cho cha mẹ có thể là một tác phẩm nghệ thuật có hình hai chú hạc trắng nép mình vào nhau giữa nhánh cây thông. Hình ảnh thi vị đó như ước nguyện về một cuộc sống gia đình trong ấm ngoài êm, tượng trưng cho sự tiếp nối truyền thống các bậc tiền bối bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Con hạc trắng có lông đỏ trên đỉnh đầu được người Hoa cho là sẽ đem tới một sự hài hòa tuyệt vời cho gia đình và giúp cho mối quan hệ giữa các thành viên luôn bền vững.
Tốt nhất là đặt con hạc ở hướng Nam, vì nó sẽ đem lại nhiều cơ hội tốt.
– Hướng Tây sẽ đem lại sự may mắn cho con cái của bạn, trong khi hướng Tây Bắc là hướng nên chọn nếu gia đình bạn là tộc trưởng.
Đặt hạc ở hướng Đông sẽ có lợi cho con trai và cháu trai.
Những tấm bình phong với hoa văn có thêu hình con hạc là một vật trấn Phong Thủy khá tốt, giúp bạn chặn đứng những điều không may có thể lọt vào nhà.
Những khu vực không nên trưng hạc là phòng bếp, phòng tắm và nhà vệ sinh. Bạn cũng có thể bày hạc ở phòng ngủ, phòng ăn và phòng khách
Bức “Tùng Hạc diên niên” sẽ biểu hiện cho sự thịnh vượng, trường thọ, có ý nghĩa rất tốt. Trong tranh gồm hình ảnh hạc tiên và cây tùng.
Cây tùng mọc trên núi cao, khô cằn, thiếu nguồn dinh dưỡng. Nó mọc ngay ở những mỏm núi chênh vênh, chịu nhiều sương gió, bão tuyết mà không chết không đổ thể hiện sức sống bền bỉ. Người xưa xem tùng là đại diện cho trăm cây, ngoài ý nghĩa trường thọ, tùng còn là đại diện của khí tiết. Ngoài ra, trong quan niệm của người Trung Hoa, tùng còn có khả năng trừ tà, xua đuổi ma quỷ rất mạnh nên tùng mang lại sự bình yên, àn lành cho con người.
Hạc trong truyền thuyết xưa là một loài chim tiên, trong “Tước bào cổ kim chú” có viết: “Hạc thiên niên tắc biến thành thương, hựu lưỡng thiên tuế tắc biến hắc, sở vị huyền hạc dã” (Qua ngàn năm, hạc biến màu xanh; qua hai ngàn năm, hạc biến thành đen; nên gọi là hạc huyễn hoặc). Vì vậy, người xưa xem hạc là loài chim tượng trưng cho sự trường thọ.
Họa tiết “tùng hạc diên niên” vừa mang ý nghĩa trường thọ, vừa mang ý nghĩa khí tiết thanh cao, gắn bó vĩnh cửu và còn được gọi với tên “tùng hạc đồng xuân”.
Đây là tranh phong thủy dùng để làm quà biếu, mừng tân gia, khánh thành công ty, chúc phúc, chúc thọ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét