Thư pháp Việt

Thu pháp việt, viết chữ thư pháp, tin tức thư pháp, thư pháp trên giấy, thư pháp trên đá, thư pháp trên lá

LightBlog

Breaking

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Thú chơi thư pháp

Nghệ thuật thư pháp thường gắn liền với “sự di dưỡng tâm hồn”, người viết chữ phải dùng ý chí đặt vào đầu ngòi bút. Cái tâm phải tĩnh mới thổi được hồn cốt vào mỗi nét chữ
Năm 2000 là cột mốc đánh dấu phong trào thư pháp phát triển ở TPHCM. Đội ngũ những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này tăng lên từng ngày, chữ thư pháp được đông đảo người dân đón nhận. Người Sài Gòn dần quen với hình ảnh những “ông đồ” ngồi “thả chữ”, chăm chút từng câu đối, ca dao, tục ngữ, thơ ca... cho khách tại các khu vui chơi giải trí, chùa miếu... mỗi độ xuân về hay ngày rằm, ngày lễ. Phong trào viết thư pháp đang phát triển với tốc độ khá nhanh.
Càng tập càng thấy khó
Anh Huy Hân, trưởng nhóm thư pháp Hương Việt, một nhóm thư pháp khá lớn ở TPHCM với 25 thành viên chính thức và một số bạn trẻ đang theo học, cởi mở: Đa số người chơi thư pháp hoạt động trong lĩnh vực hội họa, kiến trúc, giới văn nghệ sĩ, giáo viên... Chỉ một số ít người sống bằng nghề viết thư pháp, còn lại đều xem thư pháp là một sân chơi để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật.
Theo anh Huy Hân, để viết được thư pháp không khó nhưng người viết phải thật sự đam mê, hết sức kiên nhẫn và thường xuyên luyện tập. Khi mới làm quen cách viết chữ bằng bút lông, mực tàu, người viết thấy dễ nhưng càng tập viết càng khó. Học phí học thư pháp chỉ vài chục ngàn/tháng, vốn “đầu tư” cũng không nhiều: chỉ cần bút, giấy, mực là có thể học viết thư pháp. Tuy nhiên, người dạy viết thư pháp chỉ có thể hướng dẫn kỹ thuật viết, bao gồm: nét ngang, nét dọc, nét sổ, cách viết chữ cái, trình bày bố cục..., còn lại người viết phải tự sáng tạo nét riêng (nét riêng đó không giống ai nhưng phải được người khác công nhận).
Nhập tâm vào con chữ
Có người so sánh viết thư pháp cũng như viết chữ, mỗi người có cách cầm bút, cách “nhấn nhá” khác nhau sao cho thoải mái để dồn hết tâm lực vào con chữ, chuyển tải nội dung tư tưởng của mình. Có người lại ví von thư pháp cũng như âm nhạc, phải có những cung bậc bổng trầm, hài hòa âm dương và phải có sinh khí. Từng con chữ đều có hồn, thể hiện cảm xúc, ý nghĩ, quan điểm sao cho người xem nhìn vào đó có thể đoán được tâm ý tác giả. Theo chị Ngọc Thanh, cái khó của thư pháp là “tâm” phải “tại đầu bút”, chữ viết thể hiện tính cách con người. Bút khí chính là nét riêng của mỗi người, không thể nhầm lẫn với ai khác. Một bức thư pháp đẹp ra đời khi “tâm” người cầm bút “tĩnh”, người viết bỏ qua tất cả những vui buồn, hờn giận, lo toan của cuộc sống thường ngày, nhập tâm vào từng con chữ.
Tùy cảm quan mỗi người
Đến nay, Việt Nam hầu như chưa có công trình cụ thể nghiên cứu thư pháp tiếng Việt cũng như tiêu chí đánh giá chung cho một tác phẩm thư pháp. Các thư pháp gia thừa nhận, một bức thư pháp đạt hay không đạt tùy thuộc vào cảm quan của mỗi người. Từ năm 2000 đến nay, đa số người học thư pháp lấy chữ của thư pháp gia Thanh Sơn làm chữ “gốc” để luyện tập căn bản rồi từ đó có sự “thăng hoa” riêng. Tuy nhiên, có thể đánh giá qua mức độ thuần thục tập luyện của người viết. Người viết lâu năm, thường xuyên tập luyện thì cầm bút dứt khoát, chế ngự được ngòi bút, tạo được điểm nhấn trong con chữ, con chữ có hồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét